[by c4v@anhqle]

Xét cho cùng thì luyện thi SAT và luyện võ công cũng chẳng khác nhau là mấy.

Sách luyện thi quyển nào cũng có Kĩ năng ở đầu, rồi thêm cái word list ở cuối để bồi bổ kiến thức.

Bí kíp võ công cũng vậy, hầu hết đều chia ra làm hai bộ là chiêu thức và nội công.

Kiến thức, cũng như là nội công, cả hai đều là cái gốc, cái nền tảng của bậc học giả và võ giả.

Kẻ luyện được nội công thâm hậu, tỉ dụ như môn Kim thân bất diệt thì đao thương bất nhập, gặp kẻ địch yếu chẳng cần ra tay cũng nắm chắc mười phần thắng lợi. Người học SAT cũng vậy, vốn đã quen tu luyện ở cảnh giới cao, nên khi làm bài kiểm tra Tiếng Anh ở lớp chẳng cần kĩ năng gì vẫn an tâm điểm chẳng kém ai.

Chính bởi vậy, nói về tầm quan trọng của nội công và kiến thức có lẽ không phải nhiều lời. Kẻ đi thi có kĩ năng mà không có kiến thức, chẳng khác nào chiêu thức lăng lệ mà không cuồng ngạo, có ý mà không có lực, có hình mà không thành dạng, chỉ để múa may cho đẹp chứ ngàn lần không thể đả thương kẻ địch. Đi thi cũng vậy, chỉ biết ba hoa phương pháp này nọ cho hay mà không có kiến thức để kiếm được chút raw scores thì suốt đời chỉ mãi võ kiếm tiền độ nhật mà thôi.

Kế đến, bàn về cách nâng cao kiến thức, tại hạ ngộ ra trong cách luyện nội công trong chưởng bộ cũng có nhiều điều tương tự và hữu ích. Trước hết, kiên trì là điều không phải bàn, nhưng cùng là hai kẻ chuyên tâm học võ, ta thấy một kẻ đến đầu bạc mà luyện vẫn chưa thành, cũng có người khi tuổi trẻ đã có thể sớm thành thiếu hiệp vang danh giang hồ. Sự khác nhau ấy là bởi hai lẽ.

Một là do ngộ tính của mỗi người khác nhau. Có kẻ sinh ra để theo nghiệp võ, có người lại chỉ có cốt cách của nho sinh. Sự học cũng vậy, muốn trở thành đại cao thủ trong giới Tiếng Anh cỡ nhà văn, nhà thơ đòi hỏi người luyện phải có căn cơ bẩm sinh. Nhưng để viết được mấy cái papers và essays thì cứ chuyên cần là đủ, chớ có đổ cho ý trời để rồi nhụt chí cầu tiến của võ giả.

Hai là do hai người luyện hai bộ bí kíp khác nhau. Xét cho cùng phương pháp vẫn là thứ quan trọng, bởi nó sẽ định hướng cả tiền đồ tiếp theo. Luyện Tiếng Anh, tốt nhất là phải gắn với thực tế; cứ đâm đầu học word lists mỗi ngày cũng chẳng thể nhớ được nếu không một lần bắt gặp ở ngoài đời. Cứ nhìn bộ Đả Cẩu Bổng Pháp của Cái Bang là sẽ rõ, ấy là tinh tuý của cả trăm năm thực hành dùng gậy đánh chó của bọn ăn mày đúc kết mà nên.
Nội công và kiến thức là gốc, còn chiêu thức và kĩ năng là ngọn nên xét ra có phần phong phú và đa dạng hơn. Nhưng sau khi lịch duyệt hết võ công thiên hạ, vãn bối thấy cũng chỉ có vài chiêu thức thế này:

1. Bỏ câu khó, tìm câu dễ.

Đạt tới cảnh giới thượng thừa trong việc này chính là Đoàn Dự với bộ pháp Lăng ba vi bộ uyển chuyển như gió, hư ảo như sương, kẻ thù dẫu có mạnh đến đâu cũng chẳng thể đả thương Đoàn công tử. Nhưng nên nhớ, Lăng ba vi bộ chỉ là thứ võ công né tránh, nếu chỉ dựa vào nó thì ta có thể không thua, nhưng việc giành điểm cao cũng sẽ thành lực bất tòng tâm.

Cửu âm chân kinh đã viết: “Đạo trời là lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, lấy cái hư để thắng cái thực, lấy chỗ thiếu thốn để thắng cái đầy đủ.” âu cũng là để ám chỉ điều này. Nắm vững yếu lĩnh ấy, cộng với nội công thâm hậu, sẽ ra đòn vừa chính xác vừa có lực, gọi là Nhất chưởng tất sát, chắc chắn giành được nhiều raw scores hơn là đâm đầu vào chỗ chết.

 

2. Tránh bẫy.

Không phải tự nhiên mà giang hồ vẫn gọi là Critical Reading. Critical nghĩa là người ta không chỉ đọc, mà còn phải nghĩ, tựa như lúc giao đấu không chỉ ra chiêu mà còn phải nắm bắt ý đồ của kẻ địch. Trong Answer Choices có 10 phần thì 8 phần là cạm bẫy của College Board, chớ dại mà nhìn vào trận đồ ấy. Trước hết cứ nhìn vào cách ra chiêu của College Board, xem câu hỏi như thế nào rồi tự mình tìm ra đối sách, sau đó mới chọn đáp án phù hợp.
Giang hồ hiểm ác, lòng dạ khó lường. Một khi đã làm thị vệ độc hành dấn thân vào test site thì chỉ còn biết dựa vào trí xét đoán của mình mà đối phó.

 

3. Cái tâm:

Chương cuối cùng của bộ bí kíp này không phải là luyện Tiếng Anh như thế nào, mà là luyện cái tâm để học Tiếng Anh như thế nào. Nhiều hảo hữu đã từng than với vãn bối bình sinh họ ghét Tiếng Anh nên luyện không thành.

Nhưng cứ noi theo gương của Hư Trúc sẽ rõ. Hư Trúc vốn là đệ tử Thiếu Lâm, uống một bát nước cũng phải cầu kinh cho mười tám vạn chín trăm sinh linh trong bát nước ấy. Vậy mà chỉ sau mấy tháng trong băng động, uống rượu, ăn thịt và say sưa với công chúa nước Kim, tự khắc tâm tính sẽ mười phần thay đổi.
Tất nhiên không phải ai cũng như Hư Trúc, mãi mãi có thể không thích Tiếng Anh, nhưng thế cũng chẳng có gì là không tốt cả.

Cũng biết đâu các hạ lại giống Hư Trúc, chưa một lần thử mùi vị của rượu thịt thì cứ suốt đời né tránh?
Hư Trúc bị nhốt vào băng động vốn không phải tự nguyện, buổi đầu tại hạ học Tiếng Anh chắc cũng năm sáu phần ép buộc. Cái gì cũng vậy, tự ép mình làm chuyện không thích một lần xem sao, nếu không một lần thử thì mọi ý kiến đều là chấp niệm mà thôi.

http://anhqle.wordpress.com/2010/02/09/how-to-take-the-sat-hay-lam-sao-d%E1%BB%83-d%E1%BA%A1i-thanh-muoi-tang-anh-ngu/