(Tổng hợp từ Vietabroader tại đây, người viết RyanTNguyen)

Chuyện của người, chuyện của mình…

Tác phẩm kinh điển “Kiêu hãnh và định kiến” (Pride and Prejudice) của nhà văn Jane Austen kể về chuyện tình giữa cô con gái út thông minh và xinh đẹp nhà Bennet, Elizabeth với chàng trai tài hoa và nhân hậu Fitzwilliam Darcy. Câu chuyện bắt đầu đầy rẫy những chông gai khi một bên là định kiến sai lầm của Elizabeth dành cho Darcy, bên kia là lòng kiêu hãnh quá lớn của chàng trai trẻ. Nhưng tình yêu mãi là tình yêu, và văn học mãi là văn học, họ đã từng bước giải tỏa mọi hoài nghi, và đến bên nhau hạnh phúc.

Còn đây là chuyện của mình:

Ngày đó, trước khi lên đường sang Mỹ, ba mình có dặn dò: “Con ở bên đó ráng học để còn vào Đại học nha con. Ba không muốn con vào trường Cao đẳng bên đó đâu.” Thế là mình ra đi trong tư tưởng phải được nhận vào một trường Đại học ngon lành để vui lòng ba và cũng vì tương lai của mình. Mình hì hục luyện thi SAT ngày cũng như đêm, thứ hai cũng như Chủ nhật mình đều cắm đầu trong phòng mà học. Cuối cùng thì thành quả mình đạt được cũng không đến nỗi tệ, và mình được nhận vào một trường Đại học Mỹ.
Nhưng khi đã được nhận vào Đại học và hoàn thành mọi thủ tục, đến lúc đăng kí lớp học mình mới vỡ lẽ ra. 42 tín chỉ (credit) đầu (gọi là Core Courses hay đầy đủ là Foundations of Knowledge and Learning Core Curriculum) học ở đâu cũng như nhau cả. Mình có thể học Community College và lấy những lớp đó, với học phí thấp hơn đến 600-700USD một lớp mà thành quả có được lại như nhau. Lúc này mình mới vỡ lẽ ra, và ngay lúc này mình viết những dòng nay cho các bạn, 2 ngày nữa mình sẽ gặp cố vấn của mình để xin phép được học song song 2 trường nhằm giảm chi phí học tập.


Đằng sau định kiến

Đầu tiên, hãy cùng nhau làm rõ và phân biệt khái niệm College và University:

Ở mọi nơi trên thế giới, từ “University” đều được dịch là Đại học, nghĩa là “cơ sở giáo dục bậc cao nhất, nơi học sinh có thể học để lấy bằng cấp cũng như tham gia nghiên cứu “ (an institution at the highest level of education where you can study for a degree or do research - Từ điển Oxford).

Riêng với "College", định nghĩa có sự khác nhau tùy thuộc vào mỗi quốc gia.
Ở đa số các nước nói tiếng Anh, “College” thường được hiểu là trường dạy nghề (Vocational School/ Trade School/ Career School).
Chỉ riêng ở Mỹ, “College” được định nghĩa tương đương với University, chỉ khác về thời gian đào tạo và bằng cấp đầu ra (phần sau mình sẽ giải thích rõ).

Điều cần nhớ: chúng ta đang nói về nước Mỹ.

Theo lối dịch chung chung của mọi người, Community College có nghĩa là “Đại học cộng đồng” và được hiểu là “Cao đẳng”, trong khi đó University được dịch là “Đại học”. Trong quan niệm xã hội bây giờ ở Việt Nam, một học sinh không đủ khả năng học Đại học mới “xuống” học Cao đẳng. Hơn nữa, với tư cách là học sinh Minh Khai, một trong những ngôi trường lớn và giàu truyền thống bậc nhất của Thành phố, áp lực phải có một trường Đại học đàng hoàng đã vô tình đào sâu vào định kiến của các bạn trẻ và cả gia đình.

 

Điều đó không hoàn toàn đúng…

Community College là đại học hệ 2 năm, vì vậy khi tốt nghiệp bạn sẽ có bằng AA (Associate of Arts) hoặc AS (Associate of Sciences) – tương đương với bằng Cao đẳng ở Việt Nam. Nhưng đó không phải là kết thúc. Hệ thống trường học ở Mỹ dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường Đại học, vì vậy bạn vẫn có thể học tiếp tục 2 năm sau ở Đại học và lấy bằng Cử nhân (Bachelor) một cách dễ dàng. Một trường Đại học sẽ cấp bằng cho bạn nếu bạn học 60 tín chỉ cuối cùng ở trường Đại học đó.

Sau đây là định nghĩa về “Community College” của tổ chức CollegeBoard, là tổ chức giám sát kì thi SAT danh tiếng và quan trọng bậc nhất Hoa Kì.

Community college is the most common type of two-year college. These colleges offer many types of educational programs, including those that lead to associate degrees and certificates. Certificates and some types of associate degrees focus on career readiness. Other types of associate degrees are good preparation for study at a four-year college where graduates can earn a bachelor’s degree.

Đại học cộng đồng là dạng đại học hệ 2-năm phổ biết nhất hiện nay. Những trường đại học này cung cấp cho bạn rất nhiều chương trình học, bao gồm cả những chương trình để lấy các bằng cấp và chứng chỉ liên kết, tập trung đào tạo vào năng lực trong công việc. Một số chứng chỉ liên kết còn là sự chuẩn bị tốt cho quá trình liên thông lên Đại học hệ 4-năm để lấy bằng Cử nhân.

Như mình nói ở trên, ở Mỹ người ta dùng chữ “College” có nghĩa tương đương với “University.” Các bạn có thấy trong định trên nghĩa bằng tiếng Anh, họ dùng chữ two-year college và four-year college không? Một University chỉ là tập hợp nhiều College thôi (vd University AAA có College of Business, College of Education,…), nên thật ra bạn đi học là đi học ở College chứ không phải đi học ở University, vì vậy không có ai nói là “go to University” mà họ lại nói là “go to college.”

Gạt đi kiêu hãnh

6.6 triệu sinh viên —46% trong tổng số sinh viên đang theo học ở Community College. Số sinh viên từ 18 đến 24 tuổi chiếm số lượng lớn nhất. Community colleges còn thu hút nhiều người lớn, người đã về hưu và những ai có nhu cầu học hỏi. Theo thống kê của tổ chức Community College Survey of Student Engagement (CCSSE), gần 2/3 số học sinh theo học ở Community College quyết định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp để lấy bằng cử nhân.

Tại sao chúng ta nên chọn Community College?

Tiết kiệm tiền: Việc đi học ở Community College sẽ giúp cho bạn tiết kiệm một khoản tiền rất lớn. Với người bản xứ, họ tiết kiệm $3000 một năm, trong khi đó du học sinh chúng mình tiết kiệm tới gần $5000 và còn hơn thế nữa.
Làm quen với môi trường Đại học: với du học sinh, Community College là cách hiệu quả để làm quen với môi trường Đại học mới lạ và căng thẳng. Các khóa học ở Community College thường dễ hơn ở University, giúp cho các bạn chuẩn bị đầy đủ các kĩ năng nghe giảng, chi chép, thảo luận và cả phong cách học tập và thi cử. Community College thường có những lớp chuyên dạy các kĩ năng cơ bản như đọc, viết để chuẩn bị cho Univerisity.
Lớp học nhỏ - cơ hội lớn: các lớp học ở Community College thường nhỏ hơn ở University rất nhiều, bạn sẽ không phải thấy cảnh một hội trường với hàng trăm học sinh như ở University. Ở Community College, bạn cũng không phải bon chen để giành được một cuộc hẹn với giáo sư như ở Uni. Lớp học nhỏ giúp xây dựng sự hiểu biết giữa giáo sư và học sinh, mang lại nhiều lợi ích hơn bạn tưởng nhiều
Giáo sư: đừng nghĩ rằng chỉ có những Đại học lớn mới có giáo sư giỏi, rất nhiều giáo sư giỏi đang dạy ở các Community College vì họ muốn một công việc đơn thuần là dạy học. Ngoài ra, rất nhiều giáo sư chất lượng dạy bán thời gian ở Community College vì họ có những công việc quan trọng khác. Trong khi đó, các giáo sư ở Universiy thường phải thực hiện các dự án nghiên cứu (một phần bắt buộc của nội quy)
Khám phá bản thân: trong bài viết “Đại học Mỹ - Những điều mới mẻ”, mình có đề cập rằng các trường University thường yêu cầu Du học sinh có một ngành nghề cụ thể mà họ muốn học (Major) ngay từ năm nhất. Community College không yêu cầu điều đó. Và với học phí thấp hơn University rất nhiều, bạn có nhiều cơ hội để khám phá bản thân và chọn con đường của riêng mình. Ngoài ra, luôn có một đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp có thể giúp bạn nhận ra năng khiếu, niềm đam mê và giúp bạn chọn ngành.

Thời gian biểu linh hoạt: Hầu hết mỗi thị trấn ở Mỹ đều có một trường Community College gần đó. Vì vậy, việc học ở Community College rất thuận tiện – bạn có thể học toàn giờ hoặc chỉ học bán thời gian, và bạn có thể sắp xếp các khóa học của mình gần nhà và nơi làm việc.

 

Những điều cần lưu ý

1/ Không phải tất cả những gì bạn học ở Community College đều được chấp nhận khi bạn chuyển sang Đại học hệ 4-năm. Hãy tham khảo các tín chỉ mà trường University cần , đồng thời tham khảo cố vấn (trong trường hợp này là Transfer Advisor) và nói rõ dự tính của mình để chọn những khóa học phù hợp.
Tham khảo thêm vấn đề tại : http://www.khaiminh.edu.vn/showNews.php?id=226
Và kiểm tra trường Community College tại đây: http://ope.ed.gov/accreditation/Search.aspx

2/ Community College không phải không có những mặt hạn chế như: khóa học hạn chế (đôi khi bạn sẽ phải chuyển đi thành phố khác để tiếp tục học lấy bằng Cử nhân), khối lượng làm việc nhẹ hơn (đồng nghĩa với bạn phải tự thân khởi động để lấy đà ở chặng 2-năm sau), học sinh thụ động (nhưng cũng có mặt lợi là nếu bạn cố gắng bạn sẽ dc chú ý nhiều hơn), thiếu sinh hoạt nội trú (đa số các Community College không có kí túc xá).

 

Lời kết

Có rất nhiều con đường để dẫn tới sự thành công, mỗi quyết định của bạn là một viên gạch để dẫn tới thành công đó. Sự khởi đầu không phải là tất cả, đừng để những kiêu hãnh và định kiến chi phối bạn.

Rất nhiều học sinh Việt Nam hiện đang học ở Community College với những lý do khác nhau, nhưng mục tiêu của họ đều giống nhau – THÀNH CÔNG. Hi vọng bức tranh mà mình cố gắng miêu tả cho bạn sẽ giúp cho bạn phần nào hiểu được khái niệm Community College ở Mỹ.

Cuộc sống là của bạn, hãy nắm bắt nó, tìm hiểu và tự quyết định đúng đắn.