Đây không phải là cuốn cẩm nang những điều cần biết về du học.
Tác giả chỉ muốn giúp người đọc có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống du học qua kinh nghiệm chân thực chính tác giả đã trải qua.
Vì kinh nghiệm và cuộc đời của mỗi con người không bao giờ giống nhau, các bạn đọc không nên chỉ dựa vào những quyết định, những biến cố cá nhân của riêng tác giả mà quy thành con đường duy nhất mình sẽ lựa chọn.
Chúc các bạn may mắn, tìm được đam mê cho chính mình và luôn yêu mến cuộc sống!
- Nguyễn Bảo Trường Anh, Adelphi University'15 

 

Thưa ba mẹ,

Hôm nay đi học về con vui nghẹn lời. Đó giờ trường nào có cái danh hiệu gọi là “Học sinh giỏi nhất trường”, thế mà con được là học sinh đầu tiên nhận danh hiệu ấy đấy! Cách xét chọn cũng đâu phức tạp gì, chỉ lấy trung bình cuối kì ra so sánh, cao nhất lớp thì hạng nhất lớp, xét các nhất lớp với nhau ai cao nhất thì nhất khối, và cuối cùng xét các nhất khối ai cao nhất thì… nhất trường.

Xét ra con may mắn vì mỗi lớp giáo viên có người khó, người dễ, tương tự mỗi khối cũng có môn khó cày. Con tự thấy mình may mắn lắm khi năm con được nhất trường cái gì cũng thuận lợi. Lớp 7 mà, có gì là nhọc nhằn đâu. Con là con gái nên học đều được nhiều môn, chứ tính ra từng môn thì con đâu phải là người giỏi nhất.

Con tự thấy mình may mắn nhưng đồng thời cũng thấy mình kém may mắn.Vì con đâu có chạy đua theo nó ngay từ đầu? Bỗng chốc sau học kì I con được nhất trường, con bị áp lực khủng khiếp để giữ các danh hiệu ấy cho tới hết học kì II. Với cái lý do hão huyền là để giữ danh dự, con dặn lòng phải được nhất trường nguyên năm đó. May mắn trời cho mà không biết giữ dám bị thiên hạ cho là hèn.

Quả thật sau cái “may mắn trời cho” ấy là một bài học con nhớ suốt đời. Con không hiểu lúc con học vô tư vô lo thì thành công lại đến trong khi bắt đầu đua theo một cái đích phù phiếm thì lại không mấy thành công, thậm chí trường hợp của con lại mém thất bại. Học kì II con đua với nhỏ Giang, vì Giang hạng hai lớp. Nếu Giang mà nhất lớp thì xem như Giang nhất trường và ngược lại. Cuộc đua chẳng khác gì được ăn cả, ngã về không. Thật lòng mà nói Giang học giỏi hơn con. Thế nên có mấy lần con nghe Giang chỉ bài nữa (Không biết bây giờ kể ra có thầy cô nào bắt hai đứa ngồi viết kiểm điểm :”] ). Có một lần Giang chỉ bài cho con bị sai một câu mà Giang ngồi khóc. Giang làm đề khác, 10 điểm, còn con vì sai câu ấy nên còn 9 rưỡi =)

Lần đầu tiên trong đời, con thấy cuộc đua phù phiếm này cũng có ích, ít nhất là đối với con nhận ra ai là bạn, ai không. Cả cô chủ nhiệm, cô Lâm Ngọc Thanh nữa. Con nhớ mãi câu nói :”Có được nó đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn. Đừng buồn con nhé! Cô biết con đã cố gắng rất nhiều”. Đó là câu nói con tạc dạ suốt đời khi biết mình thua Giang một phết cuối học kì II

Rồi không hiểu sao trung bình cả năm của hai đứa bằng nhau, vì con là lớp trưởng, có ngoại khoá, có đóng góp cho tập thể nên được xét nhận danh hiệu nhất trường cả năm. Thế thôi, con có giỏi giang gì đâu. Cái con điểm trung bình 9.6/10 cả năm chẳng nói được những lúc con với Giang ngồi tâm sự với nhau vì sao hai đứa mải miết đua như vậy, cũng chẳng nói được những lúc con bị vô tình gán cho cái sứ mệnh phải thắng, cũng chẳng nói được con có người giáo viên chủ nhiệm tuyệt đời ra sao.

Con điểm nhất trường năm đó cũng chẳng nói được những nỗi tủi thân theo đuổi con hai năm tiếp sau đó khi thiên hạ cứ gán ghép vô lý bắt con phải nhất trường suốt cả cuộc đời trong khi con chỉ có nhất lớp. Thậm chí con còn bị xóc xỉa lúc con thi đậu hai đội tuyển Anh với Văn, sau đó học một tháng rưỡi thi Quận rớt Anh, chạy qua Văn thi giải cấp Quận không có một chữ trong đầu thì lại đậu. Cuối cùng, một lần nữa con cũng đua theo hai chữ phù phiếm…. Giải ba thành phố môn Văn chẳng to tát gì nhưng chắc cũng giúp bộ huy chương mang tên danh dự của con không bị mẻ tệ hại.

Giang cùng năm lớp 9 giải 3 môn Anh, nhưng mà ba năm sau Giang nhất thành phố môn Anh lớp 12. Còn con đi thi chung đợt đó nằm ngủ cho vui, con không có ý xúc phạm giám thị nhưng con chỉ muốn từ bỏ giấc mộng theo đuổi những thứ con không có hứng thú chỉ vì người ta muốn con làm.

Cho nên, khi vào cấp ba, dù cũng mang tiếng là học sinh trường chuyên đó, con học hành chẳng có một miếng danh hiệu nào hết. Con quyết định không đua theo những thứ con cho là phù phiếm. Con chả cần danh hiệu học sinh giỏi, con thích vẽ chứ có thích Toán Hoá Sinh đâu; con chẳng cần nhất lớp, con được thầy cô nhớ tên an ủi cho con điểm ba môn Lý kèm lời nhận xét con rất thẳng thắng, quyết đoán sau này sẽ thành công dù không giỏi Lý cũng quá đủ; con cũng chẳng cần làm lớp trưởng, miễn cả lớp ai cũng thương, tôn trọng và thích nghe con nói chuyện góp ý tào lao đủ thứ trên đời là con hạnh phúc rồi.

Thời cấp hai con học trâu bò bao nhiêu thì cấp ba con ham chơi bù lại. Sau khi được trường cấp hai chọn đi Nhật giao lưu văn hoá 2 tuần, con mới lần đầu mở to mắt thấy những gì khác ngoài nơi con sống. Con bắt đầu thích đi đây đi đó, con mơ hồ nghĩ mình sẽ học ở đâu đó để mình có thể vẽ, có thể làm những thứ mình yêu thích, nói những gì mình nghĩ và được chọn những môn con hứng thú để đào sâu. Thay vì học, con bắt đầu mò mẫm kiếm cách thoát khỏi cái “định mệnh” đi thi Đại học với cái môn con học mãi không vào: Toán. Ôi ban A thi kinh tế, ban D đi Ngoại thương. Mà cho dù con có đậu chăng nữa, con không nghĩ con có thể vừa học kinh tế vừa học vẽ cùng lúc tại Việt Nam.

Thế là đêm nào con cũng mò mẫm các bài viết về du học. Nhưng tất cả cũng vẫn mơ hồ… “Cậu học sinh A được 11 trường ĐH Mĩ nhận” các thông tin này thì đầy rẫy mà cách thức thế nào thì chẳng ai đề cập. Hình thức thi trên mạng là như thế nào ? Ở đâu mà cậu học sinh A ấy biết được ? Con mù tịt. Rồi con cũng lại rất may mắn khi có bạn tốt, có Facebook, chăm chỉ lên mạng nhiều để moi móc thông tin. Khi con thấy facebook của Thư, nhỏ bạn thân của con hôm nay để logo của tổ chức nào mà thấy lạ. Chỉ đơn giản là đế ý vậy thôi ấy mà chính tổ chức đó là nơi đưa con đến được Mĩ. Đơn giản là gõ tên cái logo trên Google rồi tự nhiên bao nhiêu thông tin ập đến! Ngày đó, con gõ tìm chữ:” VietAbroader”

Lần đầu tiên con viết đơn đăng kí cho Hội thảo Chuyền đuốc VietAbroader là vào hè chuẩn bị vào lớp 11, năm 2009. Con viết essay kể về việc con đã trưởng thành như thế nào với câu chuyện “nhất trường” ở trên. Lần đầu tiên, con trải mình trên trang giấy bằng tiếng Anh và bắt đầu có khái niệm cách viết cho bài luận chính của con khi đi Mĩ sẽ như thế nào.

Con cũng lại mém xíu nữa là không được nhận vào Hội thảo. Hic, sao mà nhiều bạn trẻ tài cao muốn đi Mĩ quá làm mình không có chỗ. May sao một bạn tài cao nào đó không đi dự được, thế là con được đi. Cuộc đời của con đậu vớt chắc là cái số rồi nhưng không sao, có nhiều cách để tới thành công, đậu vớt chằng phải là đậu sao ?

Sau hội thảo, con quyết tâm đi Mĩ, dù biết nó vẫn còn xa vời lắm…

Con cần ngoại khoá, con cần điểm số, con cần TOEFL/SAT, thư giới thiệu của GV,v.v Thế là nguyên năm lớp 11 con đâm đầu làm ngoại khoá, mà nhờ đó con thấy mình đổi khác lớn thêm như thế nào.

Trong lúc nói chuyện rất rất tình cờ về sự kiện hội nghị môi trường tại Copenhagen, bạn cùng lớp LHP của con nay đang du học ở Đài Loan- Tuấn tự dưng nảy ra chiến dịch ký chữ ký ủng hộ môi trường. Nổi hứng con vẽ logo cho chiến dịch, vẽ chữ sign tô màu xanh lá cây, đặt tên là GreenSign Campaign. Rồi nếu ký không thì không được vì phải bán cái gì đó để có quỹ ủng hộ môi trường. Thế là ý tưởng bán túi vải thân thiện với môi trường ra đời. Cũng phải mất mấy ngày con đi lùng tên công ty nào chịu làm mấy cái túi đó, thậm chí con còn không biết tên chất liệu vải đó tên gì. Mò mẫm rồi cũng ra được “túi vải không dệt”. Con còn nhớ đó là hôm chiều thứ tư, con đi tới khu phố Tây, Q1 để tới công ty đặt may túi. Công ty bé tí teo, một cái phòng trên tầng hai của một quán café. Tía má ơi, có khi nào con đi vào… “động” nào không. Con còn đặn chị Lam đứng dưới trông xe 15’ mà “không thấy em xuống là nhớ gọi điện, không bắt máy là kêu công an nữa” . Hú vía là cái văn phòng nhận đặt hàng nên bé chứ cái nhà máy to to thì ở chỗ khác. Người ta rất là dễ thương, thấy con nít mặc đồng phục tới mà nói chuyện rất lịch sự. Chú giám đốc không cười cho cái sự ngây ngô của con khi con nói đặt may có 250 túi trong khi muốn may thì ít nhất là phải đặt 1000 cái. Con chẳng biết lúc đó con nói gì, chắc năn nỉ ỉ ôi rằng chú ơi, con còn là học sinh, con không có đủ vốn nên chú cho con đặt may với 500 cái được không. Chú giám đốc đó đồng ý với điều kiện phải quảng cáo cho túi công ty chú nữa. Con thấy may mắn là con được trời sinh cho có cái mặt dày nên con từ chối bảo không. (Bán 500 cái túi của mình còn chưa xong làm sao bán giùm cho người ta nổi =.=) Con thấy cái văn phòng nó rung rinh cười bảo chắc con bé này là có một không hai trong lịch sử đặt hàng của công ty, đã không có lợi thế trong đàm phán mà cứ bày đặt làm cao. Rồi một lần nữa trời “vớt” con, 500 cái túi được đặt, được làm gấp xong trước Tết.

Lễ hội mừng xuân tại Lê Hồng Phong năm đó con với Tuấn với cùng câu lạc bộ môi trường của con bán túi vải, bán huy hiệu, làm cuốn sổ thu thập chữ kí của rất rất nhiều người yêu mến những thứ tụi con làm. Báo cũng tới chụp và đăng tin, mặc dù tin nhỏ thôi (con bỏ qua chuyện in sai tên con). Rồi túi được bán ở ĐH Sư phạm, ở Cung văn hoá Lao Động. Nghe thì nhiều đó nhưng mà đâu có lời, hình như là đủ hoàn vốn. Lúc đó bán được cái nào là mừng húm lên, rồi phải bán ròng rã hết cả năm trời nên chẳng ai nhớ mình mất bao nhiêu, lời lỗ bao nhiêu. Mẹ cho con ba triệu con hứa trả lại mà mẹ hiểu nên về sau mẹ bảo mẹ cho luôn. Xin lỗi Tuấn nhưng mà chuyến buôn hàng đầu tiên của tui với ông toàn lời kinh nghiệm chứ chẳng có đồng bạc dư nào bỏ túi cả =)

Rồi cùng năm 11 con tham gia VietAbroader Club, năm 12 con đi làm SEALNet. Con biết tới VietAbroader Club là nhờ Hội thảo VietAbroader 2009 chương trình buổi chiều có các anh chị giới thiệu về club bảo con nộp đơn đăng kí. Tuy cái club be bé thôi nhưng cũng đủ cho con biết cách gây dựng một tập thể hoạt động có nề nếp dù nó là 5 hay 50 người khó như thế nào. Ngoại khoá là tự nguyện mà, ai quan tâm nó đổ bể tốt xấu ra sao. Khi thành viên thưa thớt dần và chẳng ai hứng thú với club cũng là lúc con mới lên làm Ban điều hành. May mắn hay không may mắn con cũng không biết. Con chỉ biết một lần nữa con thấm thía trong gian lao ngặt nghèo mới biết bạn bè tốt mặt mũi ra sao. Kĩ năng tuyển dụng thành viên, phỏng vấn, gầy dựng hoạt động cho các bạn tham gia, xây dựng website, kết nối những gì tự nguyện thành đam mê để tất cả cùng phát triển là tất cả những gì con học được và trình bày trong lúc nộp đơn vào Ban tổ chức Hội thảo. Lần này con không có được “vớt”, con không có bị từ chối rồi sau đó được mời lại. Con nhận được đúng một thư mời chúc mừng làm Trưởng ban Quan hệ Công chúng của Hội thảo VietAbroader 2011. Con được quyền đọc đơn đăng kí và chọn các em vào Hội thảo. Lúc đó con thấm thía cảm giác của Ban tuyển sinh khi họ đọc cả chồng mấy chục ngàn đơn đăng kí từ khắp thế giới là như thế nào. Biết bao nhiêu bài luận, bao nhiêu con người, bao nhiêu là loại điểm số. Rõ ràng đây là một cuộc chơi tâm lý. Biết đâu bài luận của mình được đọc khi ông trong ban tuyển sinh mới bị vợ chửi thì sao. Rồi biết đâu người ta bỏ sót bộ hồ sơ của mình. Rồi có những lúc mình phải cân đong đo đếm giữa học sinh A điểm cao không có ngoại khoá hay học sinh B chỉ toàn thấy tham gia tình nguyện. Ai hơn ai ? Ai được nhận? Trường của mình thích người ham nghiên cứu hay thích người đam mê nghệ thuật ? Đi Mĩ cũng giống như đi kiếm chồng kiếm vợ. Phải lấy người mình hợp và người đó hợp mình thì mới thành đôi được. Đâu cứ phải cô nào đẹp, điểm GPA và SAT ngút trời là anh chàng ĐH nào cũng nhận. Mà cũng đâu phải cứ làm tình nguyện tràn lan vô mục đích thì trường sẽ thích?

Đọc đơn của các em, con biết kết quả các em được nhận hay không vào Hội thảo cũng chẳng khác gì việc con được trường ĐH ở Mĩ nhận hay không nhận. Tất cả đều rất vô chừng và ai cũng phải cố gắng hết mức để trình bày những gì tốt đẹp nhất của mình với hội đồng tuyển sinh.

Từ lúc làm việc không lương cho VietAbroader, con bắt đầu có lãi, con bắt đầu mở ra cách cửa vàng của cơ hội, vì con biết và gặp tận mắt những anh chị mà con chỉ thấy trên báo chí. Về sau con mới ngộ ra đây là mạng lưới du học sinh Mĩ lớn nhất Việt Nam, ai trên báo con cũng biết cả, bây giờ con đọc lại thấy buồn cười :” Ô, bạn mình lên báo này. Lên báo thấy viết hài quá đi mất. Chẳng đúng chút nào”. Cái sai to đùng là báo chẳng biết cái đơn nộp trên mạng là như thế nào. Đi Mĩ đâu cứ phải mò mẫm cuộc thi, chui vào thi online rồi đậu cái đùng được 11 trường đâu. Ba mẹ đi đâu có biết ai muốn đi du học Mĩ nhớ đừng có nói con nhờ nộp đơn trên mạng mà đậu nha. Đi Mĩ là phải nộp cả bộ hồ sơ bao gồm ti tỉ cái, có cái bài luận nộp trên mạng là CommonApp thật, nhưng cũng có cái nộp qua bưu điện như giấy tờ bản điểm công chứng, v.v. Cũng nhờ có ngoại khoá, nhờ có VietAbroader mà con được một bồ thông tin về du học miễn phí. VietAbroader chẳng phải là trung tâm tư vấn du học, chỉ là nơi các du học sinh quay về truyền đạt kiến thức giúp các em đi sau không phải tốn chi phí mà vẫn biết những điều phải biết về quá trình nộp đơn đi Mĩ thôi. VietAbroader, với con là minh chứng hùng hồn cho ngoại khoá làm chuyện vốn bị cho là rỗi hơi bao đồng nhưng hoá ra lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Đâu cứ phải có tiền, có lãi lời bằng tiền mới được gọi là thành công.

Còn nói về SEALNet thì trong một đêm nói chuyện với các bạn trong VietAbroader Club, thấy tụi nó rộn ràng viết đơn đăng kí cho SEALNet nên con cũng tức tốc đăng kí. Đi làm công tác từ thiện dạy tiếng Anh cho trẻ em mồ côi ở Long Hoa lẫn được học kĩ năng lãnh đạo hai tuần với SEALNet cho con những người bạn rất tốt, các mối quan hệ với các anh chị du học sinh Mĩ lẫn hiểu rõ thêm về cái đích mình đang nhắm tới. Project của SEALNet chỉ có hai tuần, sau đó Yola tổ chức buổi bán đấu giá mời PH và học sinh Yola đến để gây quỹ cho project được tiếp tục. Các thành viên của SEALNet bán những gì mình tự làm tại buổi bán đấu giá đó: Lan Anh làm cupcake, anh Ngọc làm thiệp, con đóng góp tranh sơn dầu con vẽ. Lần đầu tiên, con bán được món đồ con làm mà hơn 15000 VND. Cái túi vải hồi năm 11 con bán 15000/cái, còn bức tranh lần này con bán được $900. Đương nhiên ở cả hai lần bán, điểm chung là tiền con không có nhận. Vì cái túi bán hoàn vốn, còn bức tranh thì toàn bộ số tiền đều cho các em ở Long Hoa.

Chuỗi ngày cấp ba của con toàn mê mẩn làm ngoại khoá như vậy. Còn học hành con có phần sơ suất là con không quan tâm. Thế cho nên con mới không chui vào được các trường to to ở Mĩ. Có trường con chui vào được nhưng nó không cho tiền nên thôi, con học ở trường tốt, nhỏ với cho con đủ tiền để con học. Dù sao, việc con cày điểm không tốt cũng là điều con lựa chọn, không phải là điều con tiếc nuối. Có cho con làm lại thì con cũng chẳng có động lực nào để đi học thêm Toán Hoá Sinh nổi. Con chỉ mong em Càng sau này đừng có phải học cực khổ như con nữa. Em mê đá banh, mê vẽ, mê chơi cờ. Nếu em không thích hợp ở môi trường thích gồng gánh các môn tự nhiên lẫn chẳng có đất cho em thể hiện tài năng của em thì ba mẹ đừng ép em…

Năm cuối 12 của con nó mới khủng khiếp. Vì con học đâu có giỏi đâu, con thi điểm đâu có cao. Mỗi lần bạn bè có điểm SAT là con lại thấy đất trời sụp đổ. Đứa nào cũng vút trời mây trên 2100/2400, còn con chưa tới 1900/2400. Rồi lên lớp văn 12 bắt học thuộc lòng mấy bài thơ 90 câu để luyện đi Đại học. Quỷ thần ơi, não của con không phải của thánh nên con thà bị chép phạt 10 tờ giấy đôi chứ không thể nào học được nổi. Con cũng không hiểu sao con có cái điểm 8.4/10 năm 12 để con nộp đi Mĩ nữa. Không có Lý, Đan, Thi, Tuyết Anh, Thu Hằng, Thảo Uyên, Ngọc Tú, Bích Tuyền, không có cả lớp 12D3 thay phiên chỉ bài, nhắc tuồng, mớm lời mấy trận con lên bảng làm bài với kiểm tra miệng thì chắc con giờ này con ăn cám rồi.

Tối nào con cũng học SAT với viết luận nên sáng ra con toàn lăn ra ngủ trên lớp. Con thi SAT chuyên gia nghỉ thứ 7, trúng ngay hai tiết Đại số nên thầy Tạo có lúc dời kiểm tra của nguyên lớp sang tuần sau. Rồi bữa hôm chống cằm phê phê ngủ giờ thầy thì thầy lại chọc :”Trường Anh con, ngủ nữa hả? Thi SAT nhiều quá là hại não lắm đấy con nhá!” … Con thấy con chẳng tiếc nuối gì cho cái sự học ngu của con đâu. “Nhờ” ngu vậy mà con biết con có gia tài bạn bè thầy cô lớn như thế nào…

Gia tài con nộp đơn có điểm bèo bọt so với chúng bạn nhưng bù lại có art portfolio tranh sơn dầu con vẽ, video clip về con chim không thích bay vì nó yêu rất nhiều thứ tươi đẹp khác trên đất liền và cuối cùng là bài luận chính của con. Một lần nữa con may mắn có mẹ ngồi suy nghĩ bài luận chung. Gu văn chương con viết tốt là nhờ mẹ mấy ngày tháng làm văn giúp cho con học thuộc. Học thuộc mãi rồi con cũng tự viết được văn chương của mình. Bài luận của con mở ra nhiều bức tranh với gam màu khác nhau mà mẹ với con ngồi  chọn lọc lại sự kiện cho chặng hành trình đã qua và nêu ra bài học kinh nghiệm của con người con dựa vào cách giải mã những bức tranh trừu tượng đó. Vốn liếng của con có nhiêu đấy thôi. Với thời của con thì tạm đủ, còn tới em Càng chắc không “liều” như vậy được vì bây giờ, cuộc đua ai cũng rành rẽ luật chơi quá rồi…

Thời phổ thông của con mơ mộng về nước Mĩ cuối cùng rồi cũng thành hiện thực. Bây giờ chính thức “Thưa ba mẹ ông bà cô chú bác, con đi Mĩ du học” rồi nhé. Con đi học Kinh tế, đi học cả Mỹ thuật. Ba mẹ thì hiểu con bắt con không được bỏ vẽ rồi. Còn với các cô chú bác thấy cái con học nó quái chiêu quái đản thì có thể yên tâm vì ở Mĩ nó cũng có cái học gọi là “Business Art Management”. Con học quản lý mọi thứ kinh doanh nghệ thuật cũng được vậy? Gucci mai mốt mời con thì sao? Hay mai mốt học xong con hết yêu Mĩ rồi thì con qua Paris làm? Hoặc bét lắm con về nhà mở quán café tự chưng tranh con vẽ cũng được không sao cả.

Năm nhất con đi học còn nhiều việc thực, người thực con muốn kể cho mọi người biết lắm. Mọi người gắng chờ nha :*

Nguồn: http://inkycookies.wordpress.com/2012/11/03/thua-ba-me-con-di-du-hoc/